Alan Phan

Tác giả 9 cuốn sách Anh và Việt ngữ về thị trường mới nổi - Bình luận gia chính cho các tạp chí Vietnam Financial Review, Robb Report, Saigon Times, Vietnamnet, Saigon Tiếp Thị, Doanh Nhân - Giảng viên thỉnh giảng tại các đại học Mỹ và Trung Quốc - Doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc - Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987) - Công ty Hartcourt đạt thị giá US $670 triệu vào năm 1999 - Doanh nhân đầu tiên đưa giao dịch chứng khoán và giáo dục từ xa qua mạng Internet tại Trung Quốc (1997) - Nguyên chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hồng Kông. Follow me !

Khôn Ngoan Ngày Đầu Năm

Written By Unknown on Tuesday, January 7, 2014 | 6:13 PM




30 điều không nên tiếp tục làm cho bản thân


“Không ai có thể quay ngược lại thời gian để bắt đầu lại từ đầu, nhưng bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu từ ngày hôm nay và tạo ra một kết thúc mới”.


  1. Đừng mất thời gian với những đối tượng sai lầm Cuộc sống quá ngắn ngủi, bạn không nên dành thời gian với những người chỉ biết hút cạn nguồn hạnh phúc của mình. Nếu ai đó muốn bạn có mặt trong cuộc sống của họ, họ sẽ tự dành ra chỗ cho bạn. Bạn không phải đấu tranh để giành giật lấy một vị trí nào cả. Đừng bao giờ ép mình vào mối quan hệ với những người coi thường giá trị của bạn. Và hãy nhớ, những người bạn thật sự của bạn không phải là những người ở bên cạnh bạn khi bạn thành công, mà là những người ở bên cạnh bạn khi bạn gặp khó khăn.

2. Đừng chạy trốn các rắc rối của mình Hãy đối diện với chúng.
Đây không phải là việc dễ dàng. Không ai có khả năng xử lý hoàn hảo mọi vấn đề họ gặp phải. Chúng ta cũng không thể ngay lập tức mà giải quyết trọn vẹn một khó khăn. Chúng ta không sinh ra để làm như vậy. Trên thực tế, chúng ta sinh ra để thất vọng, buồn chán, đau khổ, và vấp ngã. Bởi vì đó là toàn bộ mục đích của cuộc sống – đối mặt với vấn đề, học hỏi, thích nghi, và xử lý chúng. Chính điều này đã rèn luyện chúng ta trở thành con người như chúng ta hiện nay.

3. Đừng nói dối bản thân mình
Bạn có thể nói  dối người khác (?), nhưng bạn không thể nói dối chính bản thân mình. Cuộc sống của chúng ta chỉ tiến bộ khi chúng ta nắm bắt các cơ hội; và cơ hội đầu tiên và cũng là khó khăn nhất mà chúng ta có thể nắm bắt lấy là trung thực với chính mình.

4. Đừng gác lại các nhu cầu của bản thân
Điều đau đớn nhất là vì yêu người khác quá mà đánh mất bản thân mình, và quên mất rằng mình cũng là người đặc biệt. Vâng, hãy giúp đỡ người khác; nhưng bạn cũng phải giúp đỡ chính mình nữa chứ. Nếu có giây phút nào dành cho bạn để bạn theo đuổi đam mê và làm điều  gì đó quan trọng với mình, thì giây phút đó chính là ngay lúc này đây.

5. Đừng cố gắng làm người khác
Một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc sống là làm chính mình trong một thế giới cứ chực biến bạn thành người giống như mọi người khác. Lúc nào cũng sẽ có người xinh đẹp hơn  bạn, thông minh hơn bạn, trẻ trung hơn bạn, nhưng họ sẽ không bao giờ
là bạn cả. Đừng thay đổi để mong người khác thích mình. Hãy là chính mình, và sẽ có người yêu con người thật của bạn.

6. Đừng bận tâm với quá khứ
Bạn không thể bắt đầu một chương mới trong cuộc đời nếu cứ đọc đi đọc lại chương cũ.

7. Đừng sợ mắc sai lầm
Làm việc gì đó rồi mắc sai lầm còn hiệu quả gấp 10 lần so với không làm gì cả.  Mỗi thành công đều có một vệt dài những thất bại đằng sau nó, và mỗi thất bại đều dẫn đường tới thành công. Suy cho cùng, bạn sẽ hối hận về những điều mình KHÔNG làm nhiều hơn là về những điều mình đã làm.

8. Đừng trách móc bản thân vì những sai lầm đã qua
Có thể chúng ta yêu nhầm người và đau khổ về những điều không xứng đáng, nhưng dù mọi việc có tồi tệ tới mức nào, thì cũng có một điều chắc chắn: sai lầm giúp chúng ta tìm được đúng người, đúng thứ phù hợp với chúng ta.

Chúng ta ai cũng có lúc mắc sai lầm, ai cũng có khó khăn, và thậm chí tiếc nuối về những  việc trong quá khứ. Nhưng bạn không phải là sai lầm của mình, bạn không phải là khó khăn của mình, và ngay lúc này đây, bạn có trong tay sức mạnh để xây dựng nên hiện tại và tương lai của chính mình. Mỗi một điều từng xảy ra trong cuộc sống của bạn đều góp phần chuẩn bị cho bạn đón nhận một khoảnh khắc mới chưa đến.

9. Đừng cố công mua hạnh phúc
Nhiều thứ chúng ta mong mỏi có được thường có giá đắt. Nhưng sự thật là, những gì thực sự khiến chúng ta hài lòng lại hoàn toàn miễn phí – đó là tình yêu, là tiếng cười, và là những giây phút miệt mài theo đuổi đam mê của mình.

10. Đừng tìm kiếm hạnh phúc ở người khác
Nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc với chính con người bên trong của mình, thì bạn sẽ chẳng thể nào có được hạnh phúc lâu dài với bất kỳ người nào khác. Bạn phải tạo ra sự ổn định trong cuộc sống của mình trước rồi mới nghĩ tới chuyện chia sẻ cuộc sống đó với người khác được.

11. Đừng lười nhác Đừng nghĩ ngợi quá nhiều,
Vì có thể bạn sẽ tạo ra một rắc rối không đáng có. Hãy đánh giá tình hình và đưa ra hành động dứt khoát. Bạn không thể thay đổi điều mà mình không muốn đối mặt. Tiến bộ bao hàm rủi ro. Chấm hết ! Bạn không thể đứng một chỗ mà hy vọng mình sẽ tới được đích.

12. Đừng nghĩ rằng mình chưa sẵn sàng
Khi một cơ hội xuất hiện, không có ai cảm thấy mình đã sẵn sàng 100% để đón nhận nó. Bởi vì phần lớn những cơ hội lớn lao trong cuộc đời đều đòi hỏi chúng ta phải phát triển vượt quá “vùng thoải mái” của mình – điều này có nghĩa là ban đầu, chúng ta sẽ không cảm thấy hoàn toàn thoải mái.

13. Đừng tham gia vào các mối quan hệ vì những lý do sai lầm
Cần phải lựa chọn các mối quan hệ một cách khôn ngoan. Ở một mình còn tốt hơn là giao tiếp với người xấu. Bạn không cần phải vội vàng. Điều gì phải đến, sẽ đến – và nó sẽ đến đúng lúc, với đúng người, và vì lý do tốt đẹp nhất. Hãy yêu khi bạn đã sẵn sàng, chứ đừng yêu khi bạn cảm thấy cô đơn.

14. Đừng từ chối những mối quan hệ mới chỉ vì các mối quan hệ cũ không đem lại kết quả tốt đẹp Trong cuộc sống, rồi bạn sẽ nhận ra rằng mỗi người bạn gặp đều có ý nghĩa riêng cho bản thân bạn. Một số người sẽ thử thách bạn, một số người sẽ lợi dụng bạn, và một số khác sẽ dạy dỗ bạn. Nhưng điều quan trọng nhất là, một số người sẽ giúp bạn thể hiện được khía cạnh tốt đẹp nhất của mình.

15. Đừng cố cạnh tranh với tất cả mọi người Đừng lo lắng khi thấy người khác giỏi hơn mình. Hãy tập trung vào việc “phá kỷ lục” của chính mình mỗi ngày. Thành công chỉ là một cuộc chiến giữa BẠN và BẢN THÂN BẠN mà thôi.

16. Đừng ghen tị với người khác
Ghen tị là hành động đếm các “điểm cộng” của người khác thay vì đếm các “điểm cộng” của mình. Hãy tự hỏi bản thân mình câu này: “Mình có điểm gì mà ai cũng mong có ?”

17. Đừng than vãn và tự thương hại bản thân
Các khó khăn xuất hiện trong cuộc sốngđều có lý do riêng của chúng – nhằm hướng bạn theo một cung đường phù hợp cho bạn. Có thể khi khó khăn xuất hiện, bạn sẽ không nhận thấy hay không hiểu được điều đó, và có thể đó là một trải nghiệm khó khăn. Nhưng bạn hãy thử nghĩ về những khó khăn mình đã trải qua trong quá khứ mà xem. Bạn sẽ thấy rằng, cuối cùng, chúng đã hướng bạn tới một địa điểm tốt hơn, trở thành một con người tốt hơn, có tâm trạng hay hoàn cảnh tích cực hơn. Vì thế, hãy cười lên! Hãy cho mọi  người thấy rằng bạn của ngày hôm nay mạnh mẽ gấp nhiều lần so với bạn của ngày hôm qua – và bạn sẽ là như thế.

18. Đừng giữ mãi những hằn học.
Đừng sống với niềm oán ghét trong tim. Bạn sẽ khiến mình đau khổ hơn so với những gì mà người mà bạn căm ghét có thể gây cho bạn. Tha thứ không phải là nói: “Những gì anh đã làm với tôi là chấp nhận được”, mà là: “Tôi sẽ không để hạnh phúc của mình bị hủy hoại vĩnh viễn bởi những gì anh đã làm với tôi”.
Tha thứ là câu trả lời… hãy buông ra đi, hãy tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn, hãy giải phóng bản thân  bạn! Và hãy nhớ, tha thứ không chỉ vì người khác, mà còn vì chính bạn nữa đấy. Hãy tha thứ cho bản thân mình, hãy tiếp tục cuộc sống, và cố gắng làm tốt hơn trong tương lai 

19. Đừng để người khác kéo bạn xuống vị trí ngang bằng với họ.
Đừng hạ thấp các tiêu chuẩn của mình để thích nghi với những người không chịu nâng cao các tiêu chuẩn của họ.

20. Đừng lãng phí thời gian giải thích bản thân cho người khác,
Bạn bè  bạn sẽ không cần bạn phải giải thích gì cả, còn với kẻ thù, thì dù bạn có giải thích bao nhiêu họ cũng chẳng tin đâu. Hãy cứ làm những gì mà thâm tâm bạn biết là đúng.

21. Đừng miệt mài làm đi làm lại một việc mà không có “khoảng ngừng”
Thời điểm phù hợp để bạn hít một hơi thật sâu là khi bạn không có thời gian cho việc đó. Nếu bạn tiếp tục làm những gì mình đang làm, thì bạn sẽ tiếp tục nhận được những gì mà bạn đang nhận được. Đôi khi bạn cần phải tạo ra cho mình một khoảng cách để có thể nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng.

22. Đừng bỏ qua điều kỳ diệu của những khoảnh khắc nhỏ nhoi Hãy tận hưởng những điều nhỏ nhặt, bởi vì biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ ngoảnh nhìn lại để rồi nhận ra rằng chúng là những điều lớn lao. Phần tốt đẹp nhất trong cuộc sống của bạn sẽ là những khoảnh khắc nhỏ bé không tên khi bạn dành thời gian mỉm cười với ai đó quan trọng đối với bạn.

23. Đừng cố làm mọi thứ trở nên hoàn hảo Thế giới thực không vinh danh những người cầu toàn; nó sẽ trao phần thưởng cho những người hoàn thành công việc.

24. Đừng đi theo con đường ít bị cản trở nhất Cuộc sống không dễ dàng, nhất là khi bạn lên kế hoạch đạt được điều gì đó có giá trị. Đừng chọn con đường đi dễ dàng. Hãy làm điều gì đó phi thường.

25. Đừng hành động như thể mọi việc đều tốt đẹp trong khi thực tế không phải như vậy Suy sụp một lát cũng không sao. Bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải tỏ ra mạnh mẽ, và cũng không cần phải liên tục chứng minh rằng mọi việc đều diễn ra tốt đẹp. Bạn cũng không nên lo lắng về chuyện người khác đang nghĩ gì– hãy khóc nếu bạn cần khóc – điều đó cũng tốt cho sức khỏe của bạn mà. Càng khóc sớm, bạn càng sớm có khả năng mỉm cười trở lại.

26. Đừng đổ lỗi cho người khác về các rắc rối của bạn Khả năng thực hiện được ước mơ của bạn tỉ lệ thuận với khả năng bạn tự nhận trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Khi trách cứ người khác vì những gì bạn đang trải qua, nghĩa là bạn đang chối bỏ trách nhiệm – bạn đang trao cho người khác quyền kiểm soát phần cuộc sống đó của mình.

27. Đừng cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người Đó là điều không thể xảy ra, và nếu bạn cứ cố công làm như vậy, bạn sẽ kiệt sức mất thôi. Nhưng làm cho một người mỉm cười cũng có thể thay đổi cả thế giới. Có thể không phải là toàn bộ thế giới, mà chỉ là thế giới của riêng người đó thôi. Vì thế, hãy thu hẹp sự tập trung của mình lại.

28. Đừng lo lắng quá nhiều Lo lắng sẽ không giúp giải thoát các gánh nặng của ngày mai, nhưng nó sẽ tước bỏ đi niềm vui của ngày hôm nay. Một cách để bạn có thể kiểm tra xem có nên mất công suy nghĩ về điều gì đó hay không là tự đặt ra cho mình câu hỏi này: “Điều này có quan trọng gì nữa
không trong một năm tiếp theo? Ba năm tiếp theo? Năm năm tiếp theo?”. Nếu câu trả lời là không, thì nó không đáng để bạn bận tâm đâu.

29. Đừng tập trung vào những gì bạn không mong muốn xảy ra, Hãy tập trung vào những gì bạn thực sự muốn xảy ra. Suy nghĩ tích cực là “tiền đồn” cho mọi thành công vĩ đại. Nếu mỗi sáng bạn thức dậy với tâm niệm rằng ngày hôm nay sẽ có điều tuyệt vời xảy ra trong cuộc sống của mình, và bạn để tâm chú ý, thì rồi thường là bạn sẽ nhận thấy rằng niềm tin của mình là đúng.

30. Đừng là người vô ơn Dù bạn đang ở hoàn cảnh tốt đẹp hay tồi tệ, hãy thức dậy mỗi ngày với niềm biết ơn cuộc sống của mình. Ở nơi nào đó, người khác đang đấu tranh trong tuyệt vọng để giành giật lấy cuộc sống của họ. Thay vì nghĩ về những gì bạn không có, hãy nghĩ về những gì bạn đang có mà người khác không có.

(Sưu Tầm)
Tác giả : Vô Danh – Sưu Tầm Trên Web?
(Bài viết do một BCA gởi đến cho GNA 1/1/2014)
6:13 PM | 0 comments | Read More

Vụ mỳ tôm nhiễm độc

Vụ mỳ tôm nhiễm độc: Đại gia mỳ kín tiếng, dân bất an

Các đại gia trong giới mì tôm như Vina Acecook, Asia Food hay Masan Food sẽ không dại gì là “con dê đi trước trên cây cầu có nguy cơ gãy”...


Nỗi sợ là “con dê đi trước trên cây cầu có nguy cơ gãy”

“100% sản phẩm mì gói tại Việt Nam chứa acid oxalic gây sỏi thận” là thông tin rất sốc đối với người tiêu dùng Việt Nam, thị trường tiêu thụ mì tôm lớn thứ 4 trên thế giới với 5,1 tỷ gói/năm (2012). Thông tin này có thể ngay lập tức gây ảnh hưởng tới doanh thu của hãng mì nào đó nếu sản phẩm của họ bị công bố có chứa acid oxalic. Nhưng ở đây, 100% sản phẩm mì gói Việt Nam đã được công bố là có chất này đồng nghĩa với việc “xấu cả làng chứ chả riêng ai”.

Các đại gia trong giới mì tôm như Vina Acecook, Asia Food hay Masan Food sẽ không dại gì là “con dê đi trước trên cây cầu có nguy cơ gãy” như thế. Vì chỉ cần một động thái không chính xác sẽ tạo ra sự sụp đổ thương hiệu ngay sau đó.

Bài học mì Tiến Vua biến mất sau khi mạnh miệng tuyên bố "không chứa Transfat” còn đó. Mì Tiến Vua từng gây được ấn tượng mạnh với người tiêu dùng qua đoạn quảng cáo không chứa chất béo Transfat có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi kiểm nghiệm, nhiều người mới ngã ngửa vì trong thành phần của mì cũng có Transfat. Sản phẩm mì Tiến Vua biến mất, các thương hiệu còn lại đã chiếm ngay thị phần sản phẩm này để rơi ra.

Thực phẩm liên quan tới sức khỏe chứ không phải là ngành giải trí. Một khi mang tiếng xấu sẽ không thể phục hồi lại hình ảnh thương hiệu như cũ. Masan không tuyên bố Tiến Vua đã chết nhưng đến thời điểm này, mì Tiến Vua cũng không còn chỗ đứng trên thị trường.

“100% mì tôm có chất gây sỏi thận”, nhưng vấn đề là ngành y tế, Cục An toàn thực phẩm đã cho ra một tiêu chuẩn và ngưỡng cho phép trên sản phẩm hay chưa? Thực tế có nhiều chất có hại cho sức khỏe vẫn tồn tại trong các sản phẩm tự nhiên như bột mì chứ không phải hóa chất thêm vào.

Trong trường hợp này là chưa. Do đó, cơ quan chức năng phải có biện pháp áp chế như các nước phương Tây như công bố thông tin và yêu cầu thu hồi hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm để tiêu hủy và xử lý. Xây dựng chặt chẽ luật về đảm bảo sức khỏe của con người để không có tình trạng Cục ATTP công bố không tốt mà sản phẩm vẫn lưu hành trên thị trường.

Sức khỏe con người chứ không phải là ai ăn thì ăn, ai bệnh thì bệnh còn tiền thì vẫn chảy vào túi các công ty mì gói.

Nếu ăn mì tôm mà mắc bệnh, chắc chắn NTD sẽ tẩy chay

Trên khía cạnh xử lý hình ảnh thông tin, các công ty mì gói phải có trách nhiệm với sản phẩm và với khách hàng của mình sớm nhất. Vấn đề đặt ra cho các công ty mì gói lúc này là phải chứng minh mình là thương hiệu tốt với khách hàng, sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng xử lý và làm rõ về chất lượng sản phẩm.
Ví dụ điển hình nhất là trong trường hợp của ngành sữa, khi công ty Fonterra bị phát hiện cung cấp nguyên liệu sữa nhiễm khuẩn cho các công ty sữa, trong đó có Việt Nam, Vinamilk là công ty đầu tiên có những động thái hợp tác để đảm bảo tính minh bạch chất lượng sản phẩm.

Abbott cũng đã nhanh chóng công bố thông tin về lô hàng nghi nhiễm khuẩn và cho thu hồi ngay sản phẩm. Đối với những sản phẩm đã được dùng, Abbott sẵn sàng hợp tác đưa các bé đi xét nghiệm để đề phòng sức khỏe cho các bé. Động thái nhanh chóng vào cuộc và xử lý khủng hoảng như trên đã cho thấy hình ảnh công ty này vẫn tốt trong mắt khách hàng.

Đó là bài học quản trị thương hiệu lớn tại Việt Nam, mà các doanh nghiệp nên học hỏi.

Vì thế, trong vụ mì tôm chứa acid oxalic này, chốt lại thông điệp gửi tới cho các doanh nghiệp sản xuất mì tôm: Hãy tôn trọng khách hàng hoặc sẽ bị khách hàng đưa vào sổ đen tiêu dùng. Các công ty sản xuất mì gói đang sản xuất thức ăn, thực phẩm nuôi sống con người chứ không phải giết chết con người từ từ. Họ không nên chỉ biết kiếm tiền mà phải có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội bằng chính sản phẩm của mình. Nếu ăn mì tôm mà bị bệnh thì chắc chắn dù có ngon đến đâu, người tiêu dùng cũng sẽ tẩy chay.

(Theo GDVN)

12:36 AM | 0 comments | Read More

Loạt Bài Nước Mắm Không Dùng Cá

Theo cách hiểu phổ biến, đạm trong nước mắm truyền thống nghiễm nhiên là đạm từ cá. Lợi dụng cách hiểu này, nhà sản xuất nước mắm công nghiệp sử dụng nhiều loại đạm không phải từ cá mà không thông tin đầy đủ, chưa kể các loại phụ gia khác. 


Mập mờ

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu nước mắm công nghiệp như: Nam Ngư, Chin-Su, Kabin, Hương Việt… có những nước mắm thì ghi tên đạm bổ sung, có nước mắm thì không ghi tên đạm bổ sung.
Qua quan sát nhãn hiệu trên chai nước mắm Nam Ngư đệ nhất, chúng tôi chỉ thấy nhà sản xuất  ghi thành phần: muối, đường, tinh cốt cá cơm, chất điều vị, hương cá hồi, hương cá ngừ, màu tự nhiên, chất bảo quản, chất ngọt tổng hợp…dưới dạng tên khoa học rất khó để người tiêu dùng biết được chất gì, có nguy hại hay không. Điều quan trọng là loại đạm bổ sung này là loại đạm gì. Trong khi nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng đạm có nghĩa là từ thịt cá.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học công nghiệp TP.HCM, cho biết, đối với nước mắm truyền thống thì 100% là đạm từ cá, không chất tạo màu, tạo hương, chất bảo quản… như trong nước mắm công nghiệp.
Cũng theo bà Bình, chính việc không ghi độ đạm của một số nhãn hiệu nước mắn công nghiệp khiến người tiêu dùng không biết rõ nguồn đạm được bổ sung trong đó là loại đạm gì, có đạm cá hay chỉ hoàn toàn là đạm bổ sung từ bên ngoài và đạm bổ sung từ bên ngoài là đạm gì.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, giảng viên Khoa thủy sản, Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM, có nhiều cách chế biến nước mắm công nghiệp nhưng phần lớn các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp sử dụng  nước mắm sản xuất truyền thống ở hạng thấp, sau  đó pha chế với nước và muối. Chính việc pha chế  này khiến  màu sắc, mùi vị thay đổi buộc nhà sản xuất phải bổ sung các chất tạo màu, tạo mùi, đạm, chất điều vị (chất tạo ngọt, chất bảo quản), chất chống thối natripenzoat…vào trong sản phẩm nước mắm.
Nguy cơ các chất độc
Bà Bình cho biết, trong nước nắm công nghiệp ngoài đạm cá còn bổ sung đạm từ bên ngoài, nhưng có một số nhãn không ghi đạm bổ sung là đạm gì sẽ rất nguy hiểm.
Ngoài nguồn đạm có thể có từ cá do thu mua từ các lò nước mắm, trong một chai nước mắm công nghiệp còn có đạm từ đậu nành hoặc nitơ tổng hợp.
Đối với sử dụng đạm tổng hợp, tức là bổ sung nguồn nitơ từ urê, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nếu việc bổ sung axit amin bằng cách lên men đậu nành sống cũng chứa nguy hiểm, vì trong thành phần đậu nành sống có một số chất độc tố gây nguy hại cho sức khỏe như: gây bướu cổ, tổn thương gan, kìm hảm sự phát triển.
“Trong hạt đậu nành sống có một enzym chống lại sự hoạt động của men trypsin (tiêu hóa chất đạm) và có soyin – một albumin có tính độc, kìm hãm sức phát triển của cơ thể. Và theo nghiên cứu đã được thử nghiệm, các độc tố trên không thể khử trong nhiệt độ đun nấu bình thường (tức dưới 100oc)”, bà Bình giải thích.
Còn bổ bổ sung axit amin bằng cách lên men từ đậu nành chín cũng khiến người tiêu dùng tăng nguy cơ khả năng mắc một số bệnh về tuyến tiền liệt.
Đó là chưa kể trong chất tạo màu, có chất tạo màu dùng cho thực phẩm, chất tạo màu dùng cho công nghiệp, trong khi đó chất tạo màu dùng trong thực phẩm đắt hơn so với chất tạo màu dùng trong công nghiệp từ 10 đến 100 lần.
Nếu vì lợi nhuận, nhà sản xuất dùng chất tạo màu trong công nghiệp cho nước mắm thì sẽ rất nguy hiểm, bởi chất tạo màu trong công nghiệp có hàm lượng kim loại nặng, nếu sử dụng lâu ngày sẽ phát sinh nhiều bệnh mạn tính.
Vì vậy, chừng nào nhà sản xuất nước mắm công nghiệp chưa thông tin rộng rãi cách thức và loại đạm bổ sung thì người tiêu dùng còn bị thiệt hại.
Cần sòng phẳng hơn

Theo ông Hiếu, sở dĩ hiện nay nhiều người tiêu dùng thích sản phẩm nước mắm công nghiệp là do màu sắc đẹp, vị không quá mặn, mùi không quá nặng.
“Mùi nước mắm công nghiệp rất quan trọng, tuy rằng mùi nước mắm công nghiệp có nhẹ hơn so với mùi nước mắm truyền thống, nhưng vẫn chưa nhẹ bằng mùi nước mắm ở một số nước khác. Chẳng hạn ở Thái Lan, mùi nước mắm ở đây rất nhẹ nên nước mắm của họ thâm nhập vào thị trường thế giới sớm hơn Việt Nam và các nước cũng thích nước mắm của Thái Lan hơn chúng ta”, ông Hiếu cho biết.
Nhận định về nước mắm công nghiệp, bà Bình cho rằng, nếu các cơ sở sản xuất nước mắm công nghiệp đầu tư những dây chuyền, trang thiết bị hiện đại và có thể kiểm soát các yếu tố nguy hại thì rõ ràng nước mắm công nghiệp trở thành một sức hấp dẫn với người tiêu dùng.
“Đầu ra của nước mắm công nghiệp luôn ổn định, chẳng hạn 15 độ đạm là đúng 15 độ đạm, hàm lượng muối bao nhiêu là chính xác bao nhiêu. Do nhà sản xuất pha chế nên tất cả các sản phẩm nước mắm đều như nhau, không có hiện tượng xuống màu, hoặc lắng cặn, màu sắc luôn giữ đẹp. Điều này là do công nghệ có một sự tác động đáng kể đến đến sản phẩm cuối cùng”, bà Bình cho biết.
Ưu thế của nước mắm công nghiệp là chất lượng ổn định do kiểm soát được quá trình sản xuất, nên có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, nhà sản xuất cung cấp thiếu thông tin, không cam kết loại bỏ các chất gây hại là còn thiếu trách nhiệm, thiếu sòng phẳng với người dùng.

Theo Một Thế Giới 25/12/2013
12:32 AM | 0 comments | Read More

Nếu là tôi, sẽ đợi .. cụ thể khi giá vàng ở mức từ 700-800 USD

TS Alan Phan: “Đợi khoảng 2 – 3 năm nữa hãy nên mua vàng”

BizLIVE - ”Nếu là tôi, sẽ đợi khoảng 2 – 3 năm nữa mới mua vào, cụ thể khi giá vàng ở mức từ 700-800 USD tôi sẽ đầu tư”.
(Anh phóng viên này đặt “headline” bậy: Tôi nói…”nếu là tôi…” Anh viết..” Ông Alan khuyên nên mua vào…”



Vĩnh Trà  BizLive6 Jan 2014
Một năm đầy biến động đối với nền kinh tế Việt Nam đã đi qua, cũng là lúc chúng ta phải nhìn nhận và đưa ra cho mình những kế hoạch kinh doanh cho năm mới 2014. TS. Alan Phan đã dành cho BizLIVE buổi trò chuyện khá thú vị, đồng thời cũng “vẽ” ra nhiều cơ hội đầu tư năm 2014.
Đã từng thành công trong việc làm ăn tại nhiều nước, nhưng ở Việt Nam dường như ông chưa lặp lại được điều này? Vì sao thưa ông?
Trong đầu tư kinh doanh, đâu phải chỗ nào hay lúc nào cũng thành công được. Bởi vì, theo tôi, trong làm ăn thì thắng khoảng 70% đã được coi là thành công rồi. Trong mấy chục năm đầu tư, tôi đã thành công nhiều ở nước nhưng ở Việt Nam thì có thể coi đó là một sự thất bại, một bài học đắt giá trong việc quản lý đầu tư vốn.
Khoảng 5 năm trước, tôi có đầu tư ở Việt Nam khoảng 1,5 triệu USD thành lập công ty kinh doanh cung cấp dữ liệu cho thị trường chứng khoán và tài chính.
Mô hình này tôi đã khá thành công ở Trung Quốc trong thời gian dài cỡ 7 – 8 năm nhưng ở Việt Nam câu chuyện kinh doanh lại gặp phải nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan.
Về khách quan, thị trường chứng khoán Việt Nam trước đây cũng khá tốt, tuy nhiên gần đây bị đổi chiều, cộng thêm có nhiều sự biến động về thị trường cả trong và ngoài nước nên gặp phải nhiều khó khăn.
Nhưng có một điều quan trọng hơn khiến không chỉ tôi mà nhiều nhà đầu tư khác cũng đều cảm thấy e ngại khi đầu tư vào thị trường chứng khoán tài chính ở Việt Nam.
Đó là việc thị trường chứng khoán Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào bộ phận “lái tàu”; nhiều biến động trong việc thao túng, đầu cơ…Đây là điều đặc biệt chỉ có ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về chủ quan, do Việt Nam quá xa nơi tôi sống, lại là đầu tư nhỏ nên nói thực thời điểm đó tôi không quá chú tâm, giao hoàn toàn cho một người khác quản lý nên cũng không thể trông nom kỹ càng. Có thể nói đây là một sai lầm lớn của tôi trong việc quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam.
Thêm nữa, Việt Nam tuy tiềm năng nhưng vẫn là thị trường nhỏ, phức tạp hơn các thị trường khác, nên ở thời điểm tôi đầu tư ở Việt Nam đã có những tính toán sai về chiến thuật dẫn đến thất bại trong kinh doanh tại đây.
Hiện tại, ông đã “gác kiếm quy ẩn” trong công việc kinh doanh hay chưa?
Sau vụ thất bại tại Việt Nam, về mặt đầu tư kinh doanh tôi đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam bởi tôi có nhiều cơ hội khác hấp dẫn hơn. Đến hiện nay, tôi cũng đã rút khỏi cả thị trường Trung Quốc để tập trung quay về thị trường Hoa Kỳ.
Ngày trước, Hoa Kỳ là thị trường có nhiều bất lợi về chi phí quản lý hay lợi thế cạnh tranh… Nhưng hiện nay, do vẫn tiếp tục khẳng định được là nền kinh tế đầu tầu của thế giới, các cơ hội kinh doanh tại đây vì thế cũng được cho là cởi mở hơn.
Thất bại ở Việt Nam tôi coi đó là một bài học để làm kinh nghiệm cho các thị trường khác khi tôi đặt chân đến hay mở rộng đầu tư, đặc biệt là ở những thị trường mới, khá tiềm năng tương đồng như Việt Nam.
Nếu chọn ra một điểm sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 2013, lựa chọn của ông là gì?
Theo tôi, kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua có hai điểm sáng đáng chú ý đó là việc vốn FDI tăng mạnh sau nhiều năm liên tục giảm, xuất khẩu tốt nên mức xuất siêu cao.
Thứ hai, Việt Nam đang có cơ hội để gia nhập TPP và nếu được chấp thuận vào năm 2014 sẽ mở thêm nhiều cánh cửa, đặc biệt là FDI. Khi đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Theo thông tin mà tôi được biết, từ thời điểm này nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có những động thái đón đầu cơ hội một khi TPP được ký kết.
Không ít những doanh nghiệp FDI đặc biệt trong lĩnh vực may mặc, giày da…đã và đang có ý định tăng vốn mở rộng sản xuất để đón TPP. Đây vừa là tín hiệu tốt nhưng cũng là điều khiến Việt Nam phải suy nghĩ, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong nước nếu không muốn mất ngay cơ hội trên chính sân nhà của mình.
Dòng tiền đầu tư ở Việt Nam trong năm 2014, từ góc nhìn của ông, sẽ đến thị trường nào?
Ở trong nước hiện nay nhà đầu tư phân thành hai loại: loại siêu giàu, nhiều tiền, nhưng trong bối cảnh bất an như hiện nay, không muốn đầu tư vào lĩnh vực gì cả. Đây là loại nhà đầu tư mà chúng tôi hay nói với nhau là “đem tiền ra vườn sau để chôn”.
Các doanh nghiệp tư nhân khác, do tiền mặt không có nhiều, thậm chí đại đa số còn đang đói vốn sản xuất, hoạt động cầm chừng…nên theo tôi không có nhiều khả năng đầu tư
Tóm lại, từ góc nhìn của tôi, ở trong nước dòng tiền đầu tư gần như là tê liệt, chưa có cơ hội để bứt phá. Tôi quan sát đã 2 năm nay, dòng tiền đầu tư vào Việt Nam vẫn chủ yếu từ nước ngoài thông qua vốn FDI, kiều hối hay các thương vụ M&A.
Còn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế càng suy thoái thì lại càng có nhiều cơ hội cho họ đầu tư kinh doanh tại những thị trường mới nổi như Việt Nam. Do ở những thị trường này giá nhân công rẻ, chi phí thấp nên họ càng có cơ hội sở hữu lợi nhuận cao.
Mặt khác, trong bối cảnh tranh chấp ngày một nảy lửa ở các quốc gia, khu vực khác. Việt Nam vẫn được đánh giá là một quốc gia khá ổn định về tình hình chính trị trên thế giới nên an toàn hơn.

Vậy còn về những lĩnh vực sẽ thu hút dòng tiền đầu tư thì sao, thưa ông?

Cái này cũng khó đưa ra được kết luận ở thời điểm này, tôi chỉ có thể đưa ra những phân tích về mặt bản chất cùng với một số dự đoán nhỏ.
Về lĩnh vực hút đầu tư, đối với các nhà đầu tư, tùy vào từng lĩnh vực nào kiếm tiền nhanh nhất, mang lại lợi nhuận cao nhất thì họ sẽ tích cực làm. Lâu nay, nhiều người cứ bàn tán mãi về việc các nhà đầu tư nước ngoài mang lại cái này hay cái kia cho quốc gia mà họ đầu tư.
Theo nhìn nhận của tôi, đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam, điều mà họ quan tâm là lợi nhuận, có thể nói không bao giờ họ nghĩ sẽ phát triển cái gì cho dân Việt Nam.
Tôi nghĩ, may mặc, dệt, giày dép…là những lĩnh vực dễ nhận được đầu tư hơn đặc biệt là nếu TPP được thông qua. Các ngành công nghiệp khác cần nhiều trí tuệ hơn như công nghệ thông tin thì không thể hoặc khó hơn trong việc thu hút được đầu tư.
Có hai lý do chủ yếu gây nên việc này là: Do càng ngày thì nhân công sẽ không còn quan trọng nữa; Thứ hai là trí tuệ, khả năng anh ngữ của các đội ngũ ở trong nước còn yếu; nhiều năm không tiếp cận được với nền kỹ thuật cao….
Chứng khoán có phải là kênh hấp dẫn năm 2014? Ông dự báo VN-Index năm tới sẽ tăng bao nhiêu %, và cơ hội ở thị trường chứng khoán có sáng như 2013?
Như tôi đã nói ở trên, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều biến động, tùy thuộc rất nhiều vào bộ phận lái tàu đứng sau thao túng, đầu cơ…Tuy nhiên, qua kết quả phân tích gần đây của nhiều tổ chức, theo tôi một số công ty có hoạt động tốt vẫn sẽ có thể có nhiều cơ hội trong năm 2014.
Còn việc thị trường sẽ lên điểm bao nhiêu, ở Việt Nam mọi số liệu đều rất mù mờ, không thống nhất nên khó có thể đưa ra những dự báo chính xác hoặc gần nhất.
Đồng USD khá ổn định trong năm 2013, liệu 2014 có thể trở thành kênh đầu tư hiệu quả?
Hiện nay, tiền USD đang có sự thu hút các nhà đầu tư trên thế giới bởi nhiều lý do, sau nhiều biến động thì nền kinh tế Mỹ vẫn được cho là nền kinh tế bền vững nhất. Bên cạnh đó, Cơ quan FED cũng đã nới lỏng hơn các quy định tiền gửi về USD nên đồng tiền USD sẽ hấp dẫn hơn về khía cạnh đầu tư.
Thứ hai, nền kinh tế Mỹ tốt, giá vàng lại xuống nên USD là kênh đầu tư có thể sinh lợi được nhưng phải lưu ý một điều: USD không phải là kênh đầu tư đúng nghĩa mà chỉ là kênh để giữ tiền an toàn và có hiệu quả.
Năm 2014, ông nhìn nhận thị trường bất động sản thế nào? Liệu đã đến lúc mua nhà để kinh doanh được chưa?
Thị trường bất động sản 2014 sẽ không thay đổi nhiều so với 2013, vì cái quan trọng nhất là mối liên kết giữa yếu tố giá so với thu nhập người dân vẫn chưa có sự đột biến.
Hiện thu nhập bình quân của người dân Việt Nam vẫn ở mức thấp và chưa có dấu hiệu cho thấy sự đột biến. Trong khi đó, về giá bất động sản, các chủ đầu tư thì kêu đã chạm đáy rồi không thể giảm hơn được nữa.
Bất động sản là một phân khúc rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhiều tiền tập trung vào, nhiều nhân tài tập trung vào đó. Chỉ khi nào giá bán bất động sản và thu nhập người dân tiến gần đến nhau thì nó mới có sự khởi động.
Còn không thì dù có làm gì hay cố gắng bao nhiêu nữa thì thị trường vẫn sẽ ì ạch và sẽ phải chờ thêm một động thái mới. Cá nhân tôi thì sẽ không đầu tư vào bất động sản ở thời điểm này, kể cả mua nhà ở.
Thị trường vàng có vẻ đang hấp dẫn vì giá khá thấp, liệu đây có phải là kênh đầu tư hiệu quả năm 2014?
Theo nhìn nhận của tôi, giá thấp sẽ không ảnh hưởng, mà phải nhìn vào cái nhu cầu và xu hướng chung. Hiện nay, thì trường vàng có nhiều biến động, thậm chí nhiều quốc gia đã có những chính sách giới hạn về nhu cầu vàng trên thế giới.
Về lâu dài có thể đầu tư vào vàng, ngắn hạn thì không nên đầu tư vào vàng bởi nếu đầu tư vào vàng thì phải đầu tư theo giai đoạn dài khoảng từ 10 – 20 năm. Nếu là tôi, sẽ đợi khoảng 2 – 3 năm nữa mới mua vào; cụ thể khi giá vàng ở mức từ 700-800 USD tôi sẽ đầu tư.
Việc FED cắt giảm gói QE3 từ 85 tỷ USD xuống 75 tỷ USD/tháng liệu có ảnh hưởng tới dòng vốn tới thị trường mới nổi như Việt Nam? 
Bất cứ hành động nào của FED đều có sự ảnh hưởng nhất định đến các nền kinh tế trên thế giới kể cả Việt Nam. Nếu cắt giảm QE3, lãi suất tăng lên, đồng USD hấp dẫn, dòng tiền sẽ quay lại với những nơi an toàn như Mỹ…Những nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn như Việt Nam sẽ bị giảm đi.
Tuy nhiên, ở góc nhìn vĩ mô hơn, giao dịch khắp thế giới khoảng từ 4-5 tỷ USD mỗi ngày nên Việt Nam và các thị trường mới nổi cũng sẽ vẫn có cơ hội hút dòng tiền. Những năm vừa qua, do Việt Nam đang tự đánh mất dần đi sự hấp dẫn đầu tư vốn có nên dòng tiền đầu tư gián tiếp ngày càng giảm.
Điều quan trọng nhất là phải nhìn nhận tới các thị trường đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Và phải làm thế nào để Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ có làm được điều đó thì dòng vốn đầu tư mới trở lại thực sự.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

12:16 AM | 0 comments | Read More

HẠNH PHÚC VÀ THU NHẬP



Phần lớn những người nghèo thường dùng một biện giải là chúng tôi có đói khổ thiếu kém nhưng chắc chắn là dân nghèo thường có “đạo đức và hạnh phúc” hơn các người giàu. Nguyên lý này có thể đúng dù rằng rất khó định lượng và các chuẩn giá trị để kiểm nhận lại là một vấn đề lớn khác. Tuy nhiên, nó cũng đã giúp cho rất nhiều chánh quyền xây và giữ quyền lực trên lý thuyết mơ hồ này. Một lợi điểm khác là số lượng người nghèo thường đông hơn người giàu và lòng ghen tị là một động lực hàng đầu cho nhiều cuộc cải tổ biến động.
Nghe qua thì nguyên lý cũng khá hợp lý. Phần lớn người nghèo phải tất bật từ sáng sớm đến tối mịt để mưu sinh cho gia đình. Họ không có phương tiện hay thì giờ rảnh rỗi để phát huy những thói hư tật xấu gọi là tứ đổ tường như người giàu. Vì có ít thì giờ trong ngày nên họ chăm sóc gia đình chu đáo hơn vì đây có lẽ là tài sản lớn lao nhất của họ. Trên khía cạnh hạnh phúc, vì ít học và cũng không nhiều tham vọng, người nghèo bằng lòng với cuộc sống, an phận với hàng xóm bạn bè và chỉ cần vài lon bia cùng một show vớ vẩn trên TV, họ cũng thoả mãn về một đêm thú vị.
Cùng nhãn quan này, những quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất thường là các nước nghèo mạt rệp từ Á sang Phi Châu. Các tổ chức xếp hạng lại nằm ở những nước giàu, dùng các tiêu chí của những anh chị thừa cơm rỉnh mỡ. Ngoài ra, các chánh trị gia thưởng tuyên dương rầm rộ cho những xếp hạng này để khoe thành tích vĩ đại (về nghèo kém) và để dân quên đi những thực tế khó nuốt.
Đây là bức tranh khá trung thực vẫn tìm thấy ở các xóm nghèo đông đúc tại Mỹ hay các quốc gia phát triển. Ở những nước nghèo, nhất là Việt nam thì hoàn cảnh khác nhiều do tỷ lệ thất nghiệp, sự ỷ lại vào tiền “xin-cho”, nợ nần phức tạp, tính ham ăn nhậu, tật sĩ diện hảo….
Một khảo sát do Đại Học Polytechnic ở Hong Kong hoàn tất khoảng 10 năm trước (tác giả đọc trên tạp chí City Life nhưng không lưu lại bài viết) xác nhận nhiều điều nói trên. Họ phỏng vấn hơn 2,000 người giúp việc Phi Luật Tân ở Hong Kong và khoảng 300 người chủ của các chị osin này. Tôi còn nhớ vài kết luận sau đây:
-          Gần như 99% người được khảo hạch đều đồng ý là theo tiêu chuẩn đặt ra bởi các nghiên cứu viên về chất lượng và tinh thần an sinh trong cuộc sống thì hơn 92% người giúp việc Phi “hạnh phúc” hơn các ông bà chủ.
-          Tuy nhiên, khi hỏi nếu được hoán đổi vị trí xã hội để trở thành người chủ họ đang làm việc cho, thì 100% các chị giúp việc đồng ý làm liền. Dù họ biết rất rõ là người chủ họ hàng ngày phải đối phó với bao nhiêu là vấn nạn: áp lực công việc, nhu cầu tiền bạc, thời giờ cho mình và gia đình, ganh đua trong xã hội….
-          Ngược lại, khi hỏi họ có muốn hoán đổi vị trí với các osin, thì 100% các ông bà chủ dứt khoát là không, dù họ vừa công nhận là những bạn giúp việc “hạnh phúc” hơn họ nhiều.
Nhà bình luận trong bài viết cho rằng, giữa hạnh phúc và thu nhập, ngay cả tại những quốc gia giàu và công bằng nhất, cán cân lựa chọn của người dân thường nghiêng về thu nhập.
Dù không khoa học khi chỉ trưng ra một khảo sát, nhưng chúng ta có thể suy luận là mặc dù ai cũng nói phải đi tìm hạnh phúc cho đời sống, phần lớn có thể vẫn quan tâm đến những mục tiêu khác hơn. Cái bản ngã quá lớn của nhiều người xua đẩy họ chạy vào những con đường tắt, không những đầy cạm bẫy và thủ đoạn, mà còn tha hoá con người trong tham ô, trì trệ, mất nhân tính và đạp tranh nhau từng mẩu bánh mì vụn.
Tệ hại hơn cả là ở Việt Nam, một thành phần rất lớn những người nghèo, dù không phương tiện hay quyền lực, đang bầy đàn và học đòi theo những lớp người trên đỉnh giàu sang. Ăn nhậu, cờ bạc, trai gái, khoe mẽ, bạo lực, vô cảm, hôi của…đang chiếm lĩnh lần hồi các vùng quê, vùng xa, vùng sâu…nghèo đói nhất. Để chi trả, họ sẵn sàng nhận nợ nần từ xã hội đen, chơi trò bịp bợm với hàng xóm bà con, hy sinh tương lai của những đứa trẻ vô tội sinh nhầm nơi chốn. Kết quả là một văn hoá quái thai, tạo nên một hệ thống y tế tàn nhẫn và một nền giáo dục càng ngày ngày càng làm thấp dân trí.
Dĩ nhiên, ông già Alan thì thiếu kỹ năng và kinh nghiệm để bàn sâu việc này. Có lẽ tôi sẽ mời những quan chức cao cấp và đáng kính của xã hội Việt Nam để chia sẻ?
Alan Phan
12:13 AM | 0 comments | Read More

Năm Mới Năm Me…




Người giàu và quyền thế nghĩ rằng đất nước này thuộc về họ; mặc dù họ chưa bao giờ đóng góp gì để có quyền hưởng thụ đó. The rich think this land is theirs though they have never earned the right to call it theirs.” ― Maaza Mengiste

Trong một xã hội đa dạng, hành xử của từng cá nhân luôn khác nhau, dù hoàn cảnh có tương tự. Nhờ vậy, chúng ta mới có được một bức tranh đẹp (hoặc xấu) với nhiều mầu sắc để thưởng ngoạn. Tôi nhớ những ngày qua Trung Quốc vào đầu 1976, tôi chưa bao giờ thấy một môi trường “xám xịt”, như một cỗ máy chạy mệt mỏi dưới hầm những nhà máy cũ, sắp phế thải. Từ áo quần người dân, kiểu tóc, âm thanh ngoài phố…cho đến những thể hiện lo âu, chán nản…hiện lên qua những ánh mắt gần như không còn sức sống của một đạo quân zombies, Trung Quốc thực sự nằm ngoài hành tinh.  Ở mặt khác, xã hội càng năng động, thay đổi, thì xử trí tương tác lại phức tạp, khó đoán.
Những ngày cuối năm tại Việt Nam, người thì lo tổ chức tiệc tùng ăn nhậu để tạm biệt năm cũ, có lẽ họ ăn nhậu chưa đủ trong 2013 nên phải làm thêm vài cú chót. Người thì lo kết toán sổ sách coi năm vừa rồi tài sản bốc hơi bao nhiêu; hay lộc trời bất ngờ cho thêm ít nhiều (thực ra họ biết rất rõ, vì lương thì họ không quan tâm, nhưng “lậu” thì dự đoán chính xác từng xu). Người thì suy tư về một năm mới sẽ đem lại những hy vọng gì, hay cũng cũng nhiều thất vọng như năm cũ. Người thì vô tư, vẫn lên Net đều đặn xem có siêu mẫu hay chân dài nào có lỡ làm đứt nút áo nút quần để còn load hình lên Facebook. Các bà cô tiền bạc rủng rỉnh  thì có thêm lý do để shop vì cuối năm hàng sale nhiều quá.
Riêng các phóng viên thì ráo riết săn đuổi phỏng vấn ông già Alan vì cha này có nhiều suy nghĩ ngược đời có thể câu khách được. Tựu trung, đáng lẽ là những ngày thư giãn toàn diện để thu thêm năng lượng cho năm mới thì mọi người lại tất bật làm việc nhiều hơn lệ thường.
Nghị quyết và hy vọng mới
Nhưng dù thế nào ai cũng đều có những “nghị quyết” rất hoành tráng (các chính trị gia thì có tuyên ngôn, thông điệp) để lên một kế hoạch thật tươi đẹp cho mọi vấn đề trong năm mới. Tôi nhớ một thống kê đâu đó là 42% dân số trưởng thành của Mỹ thích lập ra những “resolutions” vào ngày đầu năm cho mình và gia đình, xác định những mục tiêu phải đạt về tiền bạc, nghề nghiệp, học vấn, sức khoẻ, giải trí…Tuy nhiên, đến cuối tháng giêng, thì 97% các nghị quyết này đều cuốn theo chiều gió. Thói quen vẫn là một lực quán tính khó thay đổi.
Các bạn phóng viên thường nhờ tôi bình luận về các “nghị quyết” của chánh phủ, quan chức và doanh nghiệp vì họ cho đây là một đề tài có thể ảnh hưởng rất lớn đến tương lai kinh tế, chính trị, xã hội hay văn hoá của cả một dân tộc. Câu trả lời đầu môi của tôi là các bạn hãy thư giãn. Mọi việc thường xẩy ra như “chiếc lá giữa dòng sông lớn” mặc cho cả trăm ngàn nghị quyết đầu năm. Họ hỏi về nợ xấu, nợ công, DNNN, ngân sách, tỷ giá, vàng, BDS, FDI, TPP… Đề tài khác nhau; nhưng thực ra cái nhìn tổng thể của tôi luôn dựa trên những nguyên lý tự nhiên của đời sống, suy nghĩ khoa học, logic…nên dễ đoán biết. Nó không có gì bí ẩn hay phức tạp như các chuyên gia thích thêu dệt.
Những nguyên lý ảnh hưởng đến sự vận hành của một cá nhân hay xã hội đều rất giống nhau:
1.      Đừng hoang tưởng về “bất chiến tự nhiên thành”
Trong kỳ bí của luân sinh vũ trụ, có những tình cờ xẩy ra trong tình huống, sự kiện mà có lẽ chỉ những nhân vật huyền thoại của lịch sử (nhất là chuyện cồ Tàu) mới điều khiển và giải thích được. Hiện nay, nhân loại phần lớn bị chi phối bởi một nền khoa học hợp lý và các định luật của thiên nhiên. Nguyên lý ai cũng phải đồng ý là nếu mình cứ tiếp tục làm các việc đang làm, thì trong tương lai, xa hay gần, chúng ta sẽ thâu lượm những kết quả tương tự như chúng ta đang nhận. Phép mầu chỉ hiện thực vài ba lần trong đời người và cái khoa học gọi là “con thiên nga đen”; các ngài bói toán gọi là “vận số tốt”.
Khi lên kế hoạch cho cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng hay xã hội, chúng ta thích mơ tưởng về những giúp đỡ của thần linh, thánh gióng.. thay vì các con số, kỹ năng, thực tế của môi trường và các cơ hội rủi ro tiếm ẩn. Tôi thực sự lo ngại khi các đại gia, quan chức…thích tham gia các cúng bái đền chùa, lên đồng hay tin vào tư vấn của các nhà ngoại cảm hơn là “xăn tay áo và hành động”.
2.      Nói dễ hơn làm. Nghe nói, nhưng chỉ vỗ tay khi hành động đi theo như lời nói.
Đó cũng là lý do chính đa số chúng ta thích (và hay khuyên con) làm giáo sư, quan chức, chính trị gia, chuyên viên bán nước bọt từ các phi vụ chạy áp-phe, dự án, giấy tờ thủ tục…trong đủ mọi ngành nghề của nền kinh tế. Nhìn số lượng quán cà phê, quán nhậu, văn phòng chánh phủ…tại Việt Nam so với các quốc gia khác, có lẽ chúng ta chiếm “top ten” trên thế giới về chém gió.
Các doanh nhân, những chuyên viên kỹ thuật hay mọi người thợ tại các xưởng, thành công hay chưa, đều phải làm. Hỏi bất cứ ai, họ đều chia sẻ về những thử thách và khó khăn phải đối diện hàng ngày. Thất vọng và thất bại luôn đe doạ. Ngoài cái giá phải trả về sức khoẻ, tinh thần, hạnh phúc gia đình, danh tiếng, tiền bạc…cái giá lớn nhất là thời gian. Rất ít người thành công “overnight” (trừ khi trúng số độc đắc). Ngay cả khi ca tụng sự thành công nhanh chóng của Facebook, ít ai nhận ra rằng quy trình để đến IPO phải tốn Zuckerberg cả 8 năm vất vả.
3.      Muốn có giải pháp, phải hiểu rõ vấn đề
Có hai khó khăn lớn khi đưa ra giải pháp cho các vấn đề quan trọng của kinh tế Việt Nam như nợ xấu, nợ công, DNNN, BDS, tỷ giá, FDI, TPP…hay ngay cả ngân sách, việc tái cấu trúc, thay đổi cơ chế, nhân sự quản lý. Một là các số liệu. dữ kiện thường mâu thuẫn vì lợi ích cùa các phe nhóm khác nhau. Họ là những người nắm giữ những tài liệu này; và chuyện dấu diếm là bình thường. Hai là chúng ta không được phân tích qua mọi góc nhìn, dù khách quan hay chủ quan, vì những vùng cấm kỵ, nhậy cảm…đã được pháp luật rào lại.
Thử tưởng tượng, một bác sĩ chuẩn bệnh cho bệnh nhân nhận 3, 4 kết quả khác nhau về các thử nghiệm; rồi lại bị cấm đụng đến gần như 80% các phần thân thể. Chỉ một kết luận: bỏ nghề đi làm …thầy bói.
4.      Mọi sửa đổi phải bắt đầu từ nội tại
Trước hết là tư duy và bản thân của người đang nắm giữ quyền lực của việc thay đổi. Sau đó đến sự đồng ý của mọi phe nhóm đang ủng hộ mình. Đây thường là một sứ mệnh bất khả thi, nhất là tại các tổ chức phức tạp và lâu đời.
Cách đây sáu tháng, Tập Cận Bình có “quyết liệt” đổi mới cơ chế của kinh tế Trung Quốc theo các quy luật thị trường để cạnh tranh hữu hiệu hơn trên toàn cầu. Sau một loạt các nghị quyết hành chánh rất ấn tượng, mọi việc đã im lặng như cũ. Ông ta đã thất bại trong việc “hành” vì không lấy được đồng thuận của các nhóm lợi ích trong phe nhóm. Hiện tượng này còn có tên là “bứt giây động rừng” trong dân gian.
Năm 1977, Đặng Tiểu Bình, dù chưa chắc đã giỏi hơn, đã thực hiện được một cách mạng đổi mới cơ chế kinh tế của Trung Quốc. Lý do đơn giản là họ Đặng không phải đối đầu với các nhóm lợi ích nhiều quyền lực. Kinh tế Trung Quốc lúc đó còn quá nghèo, GDP thua cả những xứ nhỏ hơn như Đài Loan, Hồng Kông…
Một thí dụ gần đây là sự kiểm soát quyền lực của Kim Ủn Ỉn xứ Bắc Triều Tiên. Sau khi hành quyết ông dượng Jang, các nhóm lợi ích gần như biến mất (hoặc bị xử tử hoặc đào thoát ra nước ngoài).
5.      Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Một doanh gia Mỹ có nói, ‘bạn cho tôi biết 10 người bạn thân thiết quanh bạn, tôi sẽ mô tả chính xác đến 80% bản thân, cá tính và hoàn cảnh của bạn”. Suốt ngày cứ tụ tập với bọn du thử du thực thì khó mà tưởng tượng bạn có thể là người đang quản lý một doanh nghiệp tầm cỡ, chính thống. Các bạn bè bà con của bạn toàn là dân khố rách áo áo ôm, thì không ai hình dung bạn là một đại gia hay người thành công về tài chính.
Các quốc gia khôn ngoan cũng biết chọn bạn mà chơi. Sau những đổ nát tiêu điều trong Thế Chiến Thứ Hai, Nhật và Âu Châu đã đi theo đàn anh Mỹ để 25 năm sau, tạo dựng những nền kinh tế siêu cường. Bài học đó được Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore..sao y để tạo những thành quả tương tự. Gần đây, Nga và các nước Đông Âu cũng bắt đầu quy trình.
Còn chúng ta quá bận rộn giữ gìn thành trì của XHCN, cùng với Cuba, Bắc Triều Tiên…nên chắc rồi sẽ “thành công” như họ thôi.

Đổi mới nào cũng sẽ gây những phiền toái và thử thách. Trong lịch sử thế giới hay các kinh nghiệm cá nhân qua sách vở, nhiều suy sụp và đổ vỡ đã xẩy ra khi nội bộ quá thoải mái với hiện tại hay quá khứ, mà bỏ quên tương lai. Có lẽ chúng ta cũng không nhiều lựa chọn, nhưng đôi khi con người và tập thể thích bám víu vào “lá số tử vi” thay vì hành xử theo kế hoạch khoa học.

Alan Phan

PS: Kính chúc các BCA, thân hữu gần xa, một năm 2014 nhiều may mắn và phúc lộc . Thuợng Đế luôn cạnh bạn.
12:09 AM | 0 comments | Read More